Những người trẻ đang lênh đênh ngoài kia, họ đón Trung thu như thế nào?

0

Tôi không thể hiểu được sự háo hức trở về nhà vào dịp Trung thu của mọi người, bởi vì trong mắt tôi, Trung thu vẫn bình thường như mọi ngày khác.

Và một mùa Trung thu nữa lại đến. Hồi còn nhỏ, Trung thu là vị ngọt của bánh dẻo bánh nướng, là ánh sáng của mặt trăng đèn lồng. Lớn lên rồi, Trung thu đặc biệt hơn với ý nghĩa đoàn viên. Thế nhưng, đâu đó vẫn có rất nhiều những người trẻ đã lâu lắm rồi chưa được cảm nhận cảm giác sum vầy bên gia đình vào ngày lễ trăng tròn.

Dịch bệnh hay đường xá xa xôi, áp lực học hành công việc, ước muốn bay nhảy hay đơn giản là việc không muốn về quê khiến không ít người đánh mất từ khóa "sum họp" trong dịp Tết Trung thu. Tuy nhiên, sau tất cả thì kể cả không có ngày lễ này, những người đi xa chắc chắn sẽ có lúc trở về nhà, dù là lúc rạng sáng, dù là khi nửa đêm. 

01

Những người trẻ đang lênh đênh ngoài kia, họ đón Trung thu như thế nào? - Ảnh 1.

Lộc (19 tuổi), sinh viên năm nhất đại học

Hôm nay là chưa đầy 1 tháng kể từ khi tôi bước vào cánh cổng đại học, nhưng tôi có vẻ thoải mái với sự tự lập này hơn những người bạn đồng trang lứa khác rất nhiều. Ngay từ thời điểm tưởng tượng đến việc sắp bắt đầu một cuộc sống một mình, tôi đã cảm thấy hứng khởi. Tôi muốn đi, muốn khám phá thế giới giống bố tôi thời còn trẻ.

Thực sự tôi không có cảm xúc gì về Tết Trung thu hay cảm giác nhớ nhà, có lẽ vì dù lúc còn ở nhà thì Trung thu nhà tôi cũng không khác gì những ngày bình thường, ngoại trừ việc tôi được ăn thêm 1-2 cái bánh Trung thu.

Tôi và bố hiếm khi được ở bên nhau.

Bố tôi luôn nghĩ cái thôn nhỏ nhà tôi không có nhiều cơ hội giống các thành phố lớn. Vì vậy bố tôi chọn đi làm xa từ khi còn rất trẻ, mỗi năm bố chỉ về thăm nhà 1-2 lần. Mấy năm rồi Trung thu đều vào giữa tuần, bố tôi cũng chẳng về luôn, cùng lắm là gọi điện nhắc mẹ tôi: "Hôm nay Trung thu, cả nhà nhớ ăn ngon một chút".

Thời gian có đôi khi trôi qua nhanh đến đáng sợ. 

Hiện tại tôi lên đại học, bố mẹ tôi cũng càng ngày càng già đi. Sau khi cân nhắc rất lâu, bố tôi quyết về quê tìm một công việc để có thể dành nhiều thời gian hơn cho mẹ tôi.

Trung thu này cuối cùng bố mẹ cũng đoàn tụ còn tôi lại ra đi. Trung thu tuy là tết đoàn viên nhưng dường như chưa bao giờ gia đình tôi thực sự đoàn viên. Vì vậy, xin hãy thứ lỗi nếu tôi không thể hiểu được sự háo hức trở về nhà vào dịp Trung thu của mọi người, bởi vì trong mắt tôi, Trung thu vẫn bình thường như mọi ngày khác.

Trung thu chỉ có một mình, tôi vẫn sống vui vẻ, tự do. 

02

Những người trẻ đang lênh đênh ngoài kia, họ đón Trung thu như thế nào? - Ảnh 2.

An (25 tuổi), nhân viên một công ty tư nhân

Sau năm 18 tuổi, tôi chưa bao giờ biết cảm giác về quê ăn Trung thu, vì quê quá xa, ngày nghỉ quá ngắn và vé máy bay quá đắt. Tôi thừa nhận rằng bất cứ khi nào thấy mọi người xung quanh bận rộn sắp xếp công việc để về nhà, bản thân tôi lại nghi ngờ chính sự cố gắng làm việc của mình bấy lâu nay.

Rất mệt mỏi, thực sự rất mệt mỏi.

Nhưng sau những suy nghĩ thoáng qua ấy, tôi thay đổi quyết định. Tôi chọn ở lại thành phố làm việc, không phải vì muốn cho bố mẹ có cơ hội an hưởng tuổi già sao? Bởi suy cho cùng, một công việc nhàng nhàng ở quê chỉ đủ duy trì cuộc sống ổn định cho riêng tôi chứ chẳng thể theo kịp tốc độ bố mẹ tôi già đi. 

Thế rồi một ngày nọ, mẹ tôi bỗng nhiên gọi điện cho tôi và nói cả nhà mình lâu lắm rồi không được ở bên nhau dịp Trung thu. Tôi đã bật khóc ngay lập tức. 

Tuy nhiên Trung thu năm nay tôi vẫn lựa chọn không về quê, một phần vì lý do dịch bệnh, một phần vì lý do công việc. Thay vào đó, tôi đã lên kế hoạch sẽ nghỉ phép dài ngày để về quê, ít nhất là tránh thời gian cao điểm bận rộn. Dù vẫn gọi video hàng ngày cho bố mẹ song tôi biết chỉ thông qua màn hình, tôi sẽ chẳng thể làm gì cho họ. Chỉ mong bố mẹ tôi đừng quá mệt mỏi, luôn khỏe mạnh, bình an và hạnh phúc.

Con gửi tình yêu của mình vào vầng trăng sáng, và nó sẽ vượt qua những ngọn núi cao nhất, những dòng sông rộng nhất. Bố mẹ có thấy không?

03

Những người trẻ đang lênh đênh ngoài kia, họ đón Trung thu như thế nào? - Ảnh 3.

Dũng (30 tuổi), nhạc sĩ tự do

Thành thật mà nói thì tôi cũng không gọi là quá trẻ nữa. Một người đàn ông đã lớn đùng mà suốt ngày nói về nỗi nhớ nhà thì không ổn chút nào. Vì vậy tôi đã học cách kiểm soát cảm xúc của mình, vui vẻ với bạn bè, viết nhạc, tìm những nơi để biểu diễn và chia sẻ âm nhạc của chúng tôi.

Thật tuyệt, nhờ thế mà tôi quên đi phần nào nỗi nhớ nhà.

Nhưng những dịp lễ Tết như Trung thu thì bạn có trốn cũng không trốn được, vì vậy bạn phải đối diện với chính mình. Mấy ngày trước đó, tiếng mọi người lạch cạch khóa cửa rồi tiếng bước chân dần xa như muốn nói với bạn: "Ồ, tất cả đều về nhà rồi!".

Thật chứ, làm gì có ai muốn ở một mình và chỉ có cái bóng của mình làm bạn? Cả thế giới lúc này như chỉ còn lại một mình mình, ham muốn gặp được ai đó để hàn huyên tán gẫu, nhâm nhi ly cafe cho nguôi ngoai trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết. 

Một việc khó khăn hơn cả đó chính là gọi video chúc bố mẹ đón Trung thu vui vẻ. Nhìn thấy mâm cơm nóng sốt trên bàn, nhìn cả nhà quây quần nói cười, còn mình chỉ có một mình, lòng tôi càng thêm bức bối. Tôi chỉ có thể gượng cười nói một câu: "Con ăn xong rồi, chuẩn bị bật TV xem ca nhạc rồi đây này"/ "Con đi ăn với bạn mà, cả nhà không phải lo". Sau đó tôi nhanh chóng dập máy, ngồi thừ đó nhớ nhà.

Thực ra, không phải tôi không muốn về nhà, nhưng về nhà để đối diện với cảm giác xấu hổ khi ước mơ tôi quyết tâm thực hiện ngay từ đầu đến tận thời điểm hiện tại vẫn chưa đạt được ư? Tôi không đủ mạnh mẽ để làm việc đó.

Thôi thì cứ chờ thêm một chút, chờ tới lúc tôi thành công, chờ tới lúc tôi chinh phục được những gì mình muốn chinh phục, tôi sẽ về. Về nhà ăn Trung thu, về nhà với bố mẹ, bù đắp cho bố mẹ những ngày tháng tôi nợ họ. Chứ muốn về nhà, nhưng đường về còn xa thì chỉ dám nhớ và nhớ thế thôi. 

04

Những người trẻ đang lênh đênh ngoài kia, họ đón Trung thu như thế nào? - Ảnh 4.

Diệp (33 tuổi), freelancer

Công việc của tôi không bận rộn nhưng tôi thường không về nhà. Trung thu thường là dịp tôi và bạn bè tổ chức các hoạt động như tự làm bánh Trung thu, tự làm đèn lồng sau đó mang tặng cho các hoàn cảnh khó khăn. Đêm Trung thu, những người được sum họp với gia đình rất đông và những người vẫn phải lang thang nơi xa xôi như vậy cũng rất nhiều. 

Bản thân tôi sống ở thành phố phồn hoa, sôi động. Thứ tôi luôn thấy trong mắt chỉ có những ánh đèn đường sáng rực, những cửa hàng tấp nập người vào người ra. Đây là nơi tôi đã nỗ lực và thành công, đây cũng là nơi chứng minh sự kiên nhẫn và chăm chỉ của tôi. Thành phố này giống như oxy, khiến tôi có thêm lý do để bám trụ lại.

Đó là lý do những ngày đặc biệt như Trung thu, tôi chọn chia sẻ chút ấm áp của mình cho mọi người. Bố mẹ tôi luôn ủng hộ việc làm này của tôi. Bởi cả tôi và bố mẹ đều cho rằng, đã là người thân, đã yêu thương nhau thì dù ở bên hay không ở bên vào ngày này không quan trọng, quan trọng là trong tim luôn hướng về nhau là được.

05

Nhiều người luôn có định kiến với người trẻ, cho rằng họ là thế hệ vô cảm, chỉ thích chơi, không thích về nhà. Trong khi thực tế, người trẻ bây giờ cũng rất yêu truyền thống, cũng luôn sẵn sàng nói ra với người thân những yêu thương chôn chặt trong lòng. 

Tôi từng đọc đâu đó một câu: Ánh đèn đẹp nhất là ánh đèn chiếu sáng con đường về nhà của bạn. 

Tôi không biết việc được về nhà có thể mang đến cho mọi người bao nhiêu niềm vui hay có thể giúp giải tỏa bao nhiêu nỗi buồn, tôi chỉ biết dù là Trung thu hay không thì cũng đừng quên trở về. Bởi trên thực tế, chúng ta càng trưởng thành, bố mẹ càng già đi. 

Đừng để đến một ngày khi bố mẹ đột nhiên hỏi dò bạn Trung thu năm nay có về nhà hay không, bạn mới xót xa nhận ra: Hóa ra, họ không còn mạnh mẽ như ngày nào nữa. Những người trẻ đang phiêu bạt nơi xa ơi, hãy luôn nhớ gia đình mãi là cảng tránh gió của các bạn.

Những người trẻ đang lênh đênh ngoài kia, họ đón Trung thu như thế nào? - Ảnh 5.

BÌNH LUẬN (0)

Tin liên quan