Kinh nghiệm làm Portfolio hiệu quả giúp ứng viên lọt vào 'mắt xanh' của nhà tuyển dụng

0
Để giúp bạn lọt vào "mắt xanh" của nhà tuyển dụng, hãy "bỏ túi" ngay những kinh nghiệm dưới đây khi làm Portfolio.
Ngoài CV chứa đầy đủ thông tin cá nhân và kinh nghiệm, Portfolio cũng cần được chuẩn bị kỹ lưỡng để thể hiện những kỹ năng của bạn, kết quả bạn làm được trong suốt hành trình làm việc đến nhà tuyển dụng. Portfolio sẽ giúp người tuyển dụng đánh giá được về tư duy, kỹ năng, phong cách làm việc cũng như sự phù hợp của ứng viên đối với công việc.
 
Vậy một portfolio nên trình bày những gì? Khác với những người có kinh nghiệm và nhiều dự án để đưa vào Portfolio, newbie nên chuẩn bị hồ sơ năng lực như thế nào? Mong rằng bài viết này hữu ích với bạn.

Ảnh minh họa

Portfolio thường chia làm 3 phần: Giới thiệu, các dự án thực hiện và thông tin liên hệ.
 
1. Giới thiệu:

Trong phần này, ngoài một số thông tin cá nhân, bạn nên nói sơ lược về số năm kinh nghiệm và định vị bản thân (chẳng hạn như mình là content writer chuyên viết về lĩnh vực giáo dục, công nghệ hay F&B…)

Ngoài ra, hãy nói về mục tiêu nghề nghiệp, một quan điểm nghề nghiệp hoặc mong muốn của bạn khi ứng tuyển vào công việc để gây ấn tượng đối với nhà tuyển dụng.
 
Đối với newbie, đây là một nội dung nên có trong portfolio để thể hiện sự quyết tâm, nghiêm túc đối với công việc cũng như tầm nhìn của bạn trong hành trình nghề nghiệp. Nhà tuyển dụng có thể đoán được phần nào tư duy về nghề nghiệp của bạn có hợp với họ không.

2. Các dự án thực hiện:

Đây là phần chính và quan trọng nhất trong portfolio, thể hiện bạn đã và đang làm gì từ khi bắt đầu công việc của mình, trong lĩnh vực nào và các kết quả làm việc. Từ đó, nhà tuyển dụng đánh giá được phần nào về năng lực và hiệu suất làm việc của bạn.
 
Thông thường, bạn có thể sắp xếp theo cách này:
 
+ Theo độ lớn của dự án (tức mình đảm trách nhiều công việc trong dự án đó)
+ Thể loại nội dung (content chữ, video, phim….)

Đối với mỗi dự án đảm nhận, hãy có thể giới thiệu sơ lược về doanh nghiệp, sản phẩm mình làm nội dung, kênh mình thực hiện nội dung và đối tượng của kênh. Tiếp theo đó, mình trích dẫn một số bài viết nổi bật, kết quả của bài viết nổi bật hoặc kết quả chung của kênh mà mình đang làm việc. Như vậy, người tuyển dụng sẽ dễ dàng nắm được văn phong, thế mạnh làm nội dung của bạn và đối chiếu xem bạn có phù hợp với họ không một cách dễ dàng.
 
Nếu bạn là newbie, hãy đưa nhiều nhất những gì bạn đã làm vào portfolio, đó có thể là dự án cá nhân của mình (một kênh truyền thông tự thực hiện chẳng hạn…) , dự án mà bạn từng làm cho tổ chức trường học, tổ chức tình nguyện, những nội dung bạn đăng tải trên mạng xã hội hay những đề bài bạn tự đặt ra để giải trong quá trình học tập.

Khác với người có kinh nghiệm, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá newbie nhiều hơn qua thái độ của bạn với việc làm và học. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm nhiều nhưng bạn luôn nỗ lực học tập và làm nhiều dự án, dù chưa có kết quả tốt hay thành công, điều này vẫn chứng tỏ bạn có tiềm năng để đào tạo và tinh thần sẵn sàng làm việc - điều nhà tuyển dụng coi trọng nhất ở newbie.

Nguyên tắc trình bày về các dự án là: càng chi tiết, càng nhiều hình ảnh, số liệu càng thuyết phục hơn. Hãy cập nhật nó mỗi 3 - 4 tháng/lần nhé để portfolio có được thông tin năng lực mới nhất của bạn.

3. Thông tin liên hệ

Hãy để lại địa chỉ email, số điện thoại và một lời nhắn thật ấn tượng thể hiện sự sẵn sàng làm việc và kết hợp của bạn với doanh nghiệp, điều này sẽ khiến họ nhấc máy lên để có một cuộc hẹn cùng bạn.
 
Với kinh nghiệm nộp hồ sơ nhiều công ty và được mời phỏng vấn, mình hi vọng rằng mình chia sẻ này giúp các bạn newbie chuẩn bị cho mình một hồ sơ năng lực thật “lung linh” và chinh phục nhà tuyển dụng nhé. Chúc bạn may mắn!

Tags: Portfolio

BÌNH LUẬN (0)

Tin liên quan