Mất bao lâu để một chiếc túi ni lông có thể thực sự phân hủy?

0
Để có nhận thức rõ hơn trong việc hạn chế sử dụng túi nilon, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem mất bao lâu để túi nilon phân hủy nhé.
Những lời kêu gọi bảo vệ môi trường nghe có vẻ rất khó khăn và xa xôi, đó là vì bạn chưa nhận ra rằng ngay cả những thay đổi nhỏ bé nhất trong hành vi ngày thường của chúng ta cũng có thể mang lại những tác động cực kì tích cực cho lợi ích của Trái Đất. Một trong những gợi ý phổ biến nhất trong đó là việc loại bỏ hoặc giảm thiểu số lượng túi nhựa dùng một lần – nói đơn giản hơn là túi nilon – khỏi các hoạt động mua sắm của bạn. Đó là bởi vì những chiếc túi nilon này phân hủy rất chậm, khiến chúng nằm lại trong các bãi rác một thời gian cực kì dài và rất dễ gây ra vấn đề ô nhiễm.

Nhưng một chiếc túi nilon như vậy, thực ra có thể tồn tại được bao lâu?

Theo Trung tâm Đa dạng Sinh học Hoa Kỳ, phải mất tới khoảng 1000 năm (có nghĩa là 10 thế kỷ) để một chiếc túi nilon có thể phân hủy được. Nhưng vì hầu hết các vi sinh vật không thể ăn nhựa được nên túi nilon sẽ bị phân hủy quang học do bức xạ từ tia cực tím. Vậy là ngay cả khi những chiếc túi nilon đã bị phân hủy thì chúng vẫn sẽ để lại những hạt vi nhựa có thể tiếp tục gây ảnh hưởng cực kì xấu đến môi trường xung quanh.

Mặc dù 1000 năm nghe có vẻ không là gì so với tuổi thọ của Trái Đất, nhưng bạn phải biết rằng đây chỉ là một con số mang tính ước đoán mà thôi. Túi nilon chỉ mới xuất hiện từ những năm 1950 hoặc muộn hơn, có nghĩa là nền văn minh của chúng ta chưa bao giờ thực sự quan sát thấy sự phân hủy của vật liệu này theo thời gian thực. Thay vào đó, các nhà khoa học sử dụng các thử nghiệm đo hô hấp trong đó vật liệu được đặt trong đất thoáng khí chứa đầy vi khuẩn, sau đó đo lượng CO2 mà vi khuẩn tạo ra khi chúng phân hủy vật liệu. 

Nếu đó là một chất hữu cơ như chất thải thực phẩm, nồng độ CO2 sẽ tăng lên và điều đó giúp các nhà khoa học ước tính được tốc độ phân hủy của nó. Nhưng túi nilon không tạo ra bất kỳ khí CO2 nào, có nghĩa là vi khuẩn không ăn chúng – những chiếc túi chỉ nằm đó, nguyên vẹn và thách thức. Nếu túi nilon không tiếp xúc với tia cực tím vì chúng được chôn trong bãi rác thì chúng sẽ tồn tại trong một thời gian rất, rất, rất dài.
  
Túi nilon mất rất lâu mới có thể phân hủy (Ảnh: Internet)

Chi phí môi trường của túi nilon không chỉ giới hạn ở việc xử lí chúng. Việc sản xuất túi cần phải sử dụng tới nhiên liệu hóa thạch và theo ước tính của các nhà khoa học là khoảng 12 triệu thùng dầu mỗi năm. Khi một chiếc túi kết thúc vòng đời hữu ích của nó trong tay người tiêu dùng thì nó rất có thể sẽ xâm nhập vào mạng lưới thức ăn của động vật hoang dã khiến các loài động vật như chim và cá nhầm chúng là thức ăn rồi gaặp các vấn đề nguy hiểm về sức khỏe, thậm chí là tử vong vì loại sản phẩm này.

Túi vải cũng không thân thiện với Trái Đất như bạn nghĩ đâu (Ảnh: Internet)

Mặc dù hạn chế sử dụng túi nilon là một ý tưởng hay, nhưng túi vải cũng không phải là sản phẩm bảo vệ hành tinh tốt như bạn nghĩ vì các túi vải vẫn có lượng khí thải carbon đáng kể cần hàng nghìn lần sử dụng để bù đắp. Một ý tưởng tốt hơn là tái sử dụng bất kỳ chiếc túi nào bạn đã có ở nhà, bằng vải hoặc bằng nhựa đều được, để thực hiện các công việc hàng ngày.

BÌNH LUẬN (0)

Tin liên quan