Phản biện nơi công sở sao cho khéo?

1
Dưới đây là những cách giúp bạn phản biện nơi công sở khéo léo nhất, cùng tham khảo nhé.
Một chủ đề khá thú vị đồng thời cũng khá quan trọng mà mình nghĩ bất cứ ai là newbie cần phải để tâm đến. Vì kỹ năng phản biện sẽ là một kỹ năng cần thiết giúp bạn thể hiện được tính cách của bản thân trong môi trường làm việc, cũng như giúp bạn rèn luyện được tư duy làm việc vô cùng tốt.

Bản thân mình cũng từng là đứa khá nhút nhát và tự ti trước khả năng chuyên môn nên khi cấp trên hay team đưa ra ý kiến gì, mình đều sẽ đồng ý hai tay hai chân. Nhưng về lâu dài, mình cảm thấy nó không giúp mình nâng cao được tư duy phản biện, cũng như không giúp mình tăng tính sáng tạo, luyện được kỹ năng phân tích sâu và khai thác vấn đề.

Nhưng mà mình cũng rất lo lắng về cách phản biện, làm sao để nói được ý định của mình nhưng vẫn giữ hòa khí? Rồi phải phản biện làm sao để lời nói của mình vừa “chiến” mà vừa giữ được sự tôn trọng? Rất rất nhiều vấn đề chạy liên tục trong đầu mình ở thời điểm là newbie…Và ở dưới là khoảng 3 điều mình đã tự đúc kết từ chính kinh nghiệm của mình, mọi người cùng xem qua nhá.

1. Trước khi muốn phản biện, bạn cần phải lắng nghe thật kỹ càng

Hãy lắng nghe trước khi muốn phản biện quan điểm của đồng nghiệp

Bởi vì nếu bạn muốn người khác nghe ý kiến phản biện của mình thì trước tiên, bạn phải lắng nghe quan điểm của họ. Nếu họ đang nói, thì hãy để họ nói hết, không cắt ngang, không bức xúc hoặc tỏ ra thái độ thiếu hợp tác.

Ví dụ: đồng nghiệp của bạn đưa ra một ý tưởng mà bạn không đồng ý, thay vì nói "Ý tưởng của bạn không hay", bạn hãy thử "Mình nghe ý tưởng của bạn, nhưng mình nghĩ rằng...". Việc này sẽ giúp ý kiến phản biện được nêu ra mang tính xây dựng và đóng góp, chứ không phải là mang tính bài xích, bác bỏ.

2. Phản biện thì cần sử dụng ngôn ngữ cẩn trọng

Bạn nhớ nha, khi phản biện thì đừng chỉ chú trọng vào nội dung mà quên mất cách trình bày sao cho đối phương dễ hiểu và không hiểu theo một hàm ý nào khác. Quan trọng nhất là bạn cần tránh sử dụng ngôn ngữ tiêu cực, gây tổn thương, thay vào đó, hãy sử dụng ngôn ngữ tích cực, động viên.

Ví dụ: thay vì nói “Làm cái gì mà tệ vậy?", hãy thử nói theo cách "Tôi nghĩ rằng việc này bạn có thể làm tốt hơn nếu như…”. Dễ hiểu thôi, bạn sẽ thích một ai đó góp ý, phản biện thuyết phục với khi sử dụng ngôn từ ôn hòa thay vì một ai đó “la sang sảng” vào mặt mình, đúng không?

3. Phản biện điều gì cũng cần đưa ra lập luận rõ ràng, có cơ sở

Hình dung sẵn trong đầu những lập luận cần nói

Nhớ một điều này nhé các bạn yêu newbie ơi: Khi phản biện, hãy đưa ra lập luận một cách rõ ràng, có lý do, có cơ sở.

Bạn nhớ tránh việc phê phán, chê trách một ý tưởng, một cá nhân, tập thể nào đó mà không có lập luận rõ ràng nhé! Chẳng hạn bạn không đồng ý với cách thức thực hiện một dự án của một đồng nghiệp, bạn hãy giải thích rõ vì sao bạn lại nghĩ như vậy, đưa ra những bằng chứng, những dữ liệu để hỗ trợ cho lập luận của mình. Tuyệt đối tránh cách nói “Tôi cảm thấy nên bỏ nó...” hay là “tôi thấy tệ thôi..”. Đây đều là những lời phản biện mang tính công kích, không mang tính góp ý xây dựng đâu đó nha! Phản biện có logic thì đối phương mới cảm thấy thuyết phục được.

Và cuối cùng, mình nghĩ ai ai trong chúng ta cũng chỉ nên nhớ một điều này trước khi bắt đầu một cuộc phản biện: Mục tiêu của việc phản biện không phải là thắng cuộc, mà là tìm ra giải pháp tốt nhất. Thành ra, bạn không cần phải luôn đúng, và việc công nhận sai lầm không làm bạn yếu đi hay tệ hơn.
 
Mình chỉ muốn bạn hiểu rằng phản biện không phải là cuộc chiến tranh nảy lửa, mà nó chính là cầu nối giữa các quan điểm khác nhau, mở rộng tầm nhìn và cùng nhau phát triển. Khi bạn có nhiều góc nhìn, nhiều quan điểm, tư duy làm việc của bạn sẽ “mở” hơn rất nhiều đó!

Hy vọng là những lời chia sẻ nho nhỏ này của mình có thể giúp các bạn newbie, fresher hoàn thiện kỹ năng phản biện của mình. Và đừng quên, hãy luôn giữ thái độ lịch sự, thân thiện và chân thành trong mọi hoàn cảnh nhé!

BÌNH LUẬN (1)

Tin liên quan